Việt Kiều Về Nhà
By Saigon cô nương
This article is only available in Vietnamese.
Chiếc xe buýt du lịch năm mươi chỗ ngồi dài thườn thượt hiên ngang đậu xịch một cái ngay đầu hẻm. Đoàn người từ trên xe ào ạt đổ bộ xuống như từ một tour du lịch đường xa dài ngày trở về. Con nít và vài bà lối xóm thò đầu ra nhìn lom lom nên chi bước chân mới tới giữa hẻm thì tin Hai về đã được loan truyền khắp đầu trên xóm dưới. Nói theo nhà văn Đỗ Tiến Đức trong Má Hồng thì đây chính là “niềm vui tỉnh lẻ” mặc dầu xóm Mía nơi gia đình đám em Hai cư ngụ nằm tại một quận nội thành giữa thành phố chỉ mất có bốn trạm xe buýt là bước chân vào chợ Bến Thành thôi.
Phái đoàn vừa bước chân qua cửa đã có một phái đoàn khác đợi sẵn trong nhà ùa ra tiếp đón. Lại một phen lố nhố tay bắt mặt mừng chào hỏi và tiếp tục tiết mục không bao giờ biết chán là chụp hình, người này xích vô, người kia xê ra ồn ào cả khúc hẻm khiến ai đi ngang không khỏi nhìn vào mặc dù Hai mới về năm kia chứ lâu la gì. Nếu không tại quê hương thì sao có được tình cảm nồng nàn thắm thiết như thế cho nên ba tiếng đồng hồ sau mới tạm vãn hồi được trật tự.
Toàn bộ gia đình và họ hàng được nhét hết lên lầu. Hai được dành vị trí trang trọng và tiện lợi là chiếc giường của chủ nhà ở gian giữa. Đây là giang sơn tạm thời của Hai. Một chỗ ở quá sức là vui vì không bao giờ vắng bóng người. Chỉ trừ lúc Hai ngủ, còn bất cứ lúc nào rình thấy Hai mở mắt là luôn luôn có vài người xề vô. Mặc dù đã mượn thêm hàng xóm mà chẳng khi nào đủ ghế ngồi. Mọi người quây quần để nghe Hai kể chuyện “ở bển” tức là những câu chuyện luôn luôn bắt đầu bằng từ “ở bển” giống như truyện cổ tích bắt đầu bằng “ngày xưa” hay Luận ngữ, Trung Dung, Đại Học bắt đầu bằng “Tử viết” vậy.
– Ở bển, người ta có thể di chuyển nguyên một căn nhà từ chỗ thấp lên đồi cao…
– Chèng ơi, hay quá há, giống ông thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy vừa rồi mới di chuyển một ngôi đình.
– Ở bển, ai cũng tuổi con trâu vì cày như trâu…
– Ừa, còn mình ở đây tuổi con bò, thay vì cày thì kéo xe nhưng không hùng hục như trâu, tại bò nên có phần chậm chạp hơn… một chút!
– Ở bển, mưa không giống… bên này.
– Ở bển… ở bển…
“Ở bển” là một “loại”, một “thể” chuyện thường được khán thính giả lắng tai một cách say mê để sau đó sẽ được truyền miệng tiếp theo nếu hào hứng không hơn thì cũng ngang bằng như lúc nghe, nghe hoài nghe hủy không chán như nghe già làng kể “khan” hết ngày này qua đêm khác trong các buổi lễ hội trên cao nguyên. Nói cho đúng, sự thích thú không phải ở nội dung câu chuyện mà chính xác nằm nơi người kể. Những câu chuyện không phải đọc từ báo, xem từ TV, nghe ai tường thuật gián tiếp mà do chính một người trong nhà, là Hai yêu dấu từ miền đất “ở bển” đầy huyền thoại ngồi ngay trước mặt kể nên trở nên hấp dẫn khác thường!
Khách khứa xa gần ôi thôi rộn rịp, tin Hai về được truyền đi bằng vệ tinh nhân tạo hay sao ấy. Ông Táo đỏ lửa gần như hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng một ngày chỉ để nấu nước chín tiếp khách. Một bộ phận chuyên đi chợ, một bộ phận khác coi nấu nướng và bộ phận thứ ba thân tín nhất lo xếp lịch sinh hoạt cho Hai. Có mỗi một khách Việt kiều thôi nhưng kéo theo tùy tùng chung quanh cả hàng tổng, hàng xứ. Buổi sáng thay vì mỗi người mạnh ai nấy ăn thì nay điểm tâm cũng như các bữa ăn trưa, ăn tối đều lên thực đơn từ hai ngày trước, một số họ hàng ở gần cứ canh tới bữa ăn là xẹt qua thăm chừng. Đàn ông ngồi nói chuyện với Hai, đàn bà xàng xuống bếp hỏi làm gì vậy để tui tiếp tay với, thành thử bàn ăn thường tính hàng chục người, trưa hôm qua chẵn chòi ba mươi sáu mạng, không thôi thì phone thêm người đến chung vui. Những nhân vật quan trọng nhất ngồi cùng bàn với Hai rồi cứ theo thứ tự kém quan trọng để ngồi với nhau. Chốn đình trung là phải vậy! Đúng là nhà có đám! Nấu nướng tấp nập, ăn uống lu bù, chén bát rửa không ngưng. Xong bữa, khách khứa còn xin thêm ổ bánh mì hay tô hủ tíu xách phần về cho người ở nhà. Chủ nhà tóc tai dựng ngược, chỉ chạy vòng ngoài cũng đủ bở hơi tai, cảm thấy căn nhà dường như không phải nhà mình nữa vì lúc nào cũng đầy ắp chen chân không lọt những ai ai.
Quả vậy, Sáu, Mười hay Út tới tấp chở Hai đi các nơi đưa quà. Một số gặp Hai để nhận nhưng nhiều khi phải đến tận nhà người ta giao. Có khi gần nhưng đôi khi tận Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn… Mọi người tranh thủ lúc chở Hai chỉ có hai người với nhau để rủ rỉ tâm sự: Tư muốn sửa sang lại căn gác gỗ cho sinh viên thuê để tăng thu nhập vì vừa bị giật hụi xiểng niểng. Sáu than gói bánh ế quá, thời này đầy dẫy pizza, hot dog… chẳng mấy ai thích ăn bánh ít, bánh tét, bánh ú nữa nên lập kế hoạch lui ra ngoại thành nuôi dê giống. Chín không nhắc đến tiền bạc mà muốn Hai giới thiệu một anh Việt kiều về để rinh cô trưởng nữ thi trượt đại học ba năm đi chính thức. Mười có nhà cửa đàng hoàng, con gái còn nhỏ nhưng ai cũng có “vấn đề” để Hai cứu xét mà mình không nói năng gì cả thì đâu có được, đâu có thiệt thòi thua chị kém em một cách dễ dàng như vậy. Hai lại tưởng mình đầy đủ, thừa thãi không thèm ngó ngàng nữa chăng nên vợ chồng lo vắt óc làm sao nảy nòi một “bức xúc” hợp lý và không kém phần lâm ly để đề đạt với Hai! Ngoài việc nêu hoàn cảnh của mình còn nhân thể “chọt” người khác. Mười thông báo cho Hai biết Tư không hề bể hụi mà còn kiêm nhiệm thêm mấy mối góp tiền ngoài chợ xép, Út cũng thầm thì bên nhà vợ sắp chia cho gia đình Sáu miếng đất hương hỏa ở Lái Thiêu trị giá mấy tỉ! Còn Tư và Sáu ỏn thót gì với Hai thì chưa lậu ra ngoài. Chưa thấy con chim nào mách lẻo lại! Nhưng đó là anh chị em trong nhà, còn hôm qua sau bữa ăn trưa, chị Ba Danh con dâu thím Tám tự nhiên kéo tay Hai đi đâu không biết hồi lâu mới quay về. Gì chứ việc này cả bọn đoàn kết cùng nhao nhao lên cảnh cáo Hai là cái nhà Ba Danh đó chẳng có tốt lành gì đâu, Hai đừng dễ dàng tin người. Ý là Hai chỉ nên nghe trong nhà thôi, chớ dại dột nghe theo người ngoài mà hầu bao bị… móc! Hai nghe đầy lỗ tai chán chê mê mỏi, Hai lắc đầu xua tay lia lịa. Thôi thôi tao biết rồi, tụi bay khỏi cần nói nữa.
Hai đúng là thần Tài thứ thiệt, một ông thần đèn Aladin trong Ngàn Lẻ Một Đêm bò ra. Sáng tinh mơ ai nấy còn yên giấc đã có người gõ cửa tới hỏi, nhắm cái giờ sớm sủa đó cho chắc ăn, kẻo trễ Hai dông mất tiêu thì phiền:
– Chào chú.
– Anh kiếm ai?
– Dạ kiếm chú Hai. Con là con trai của bà Năm.
– Bà Năm??
– Dạ, chú Hai với bà Năm má con là chắt dì chắt già nên con là vai cháu kêu chú Hai là chú. Con nghe chú Hai mới về nên đến thăm.
Con bà Năm lục lọi chiếc giỏ:
– Dạ, má con biểu mang ít chôm chôm tới biếu chú Hai lấy thảo.
Hai được dựng đầu dậy cấp kỳ tiếp khách kẻo mang tiếng Việt kiều “chảnh” thì không nên. Bà Năm đang bịnh nên không tới thăm Hai được, con trai bà chuyên phụ hồ đang mùa mưa không có việc, nhà thì dột vợ đang mang bầu… nên chi Hai phải vội vàng móc bóp an ủi. Tối khuya, bạn nối khố của Hai hồi tiểu học râu ria không cạo ủ rũ xuất hiện. Hai chi viện liền một tủ thuốc lá làm phương tiện mưu sinh. Buổi sáng ăn cơm tấm ở ngả tư, Hai vẫy tay phải tặng anh xe ôm năm chục ngàn đồng, Hai ngoắc tay trái dúi nhỏ vé số hai chục, Hai hỏi gia cảnh tặng chị bán xôi ba trăm ngàn, Hai kêu mua nguyên mâm bánh cam khiến cả nhà ăn bánh cam trừ cơm mất hai ngày và bà bán bánh ngày nào cũng ghé để hỏi thăm Hai mạnh giỏi không. Chỉ khi trời mưa rủ ai cũng ngại ra ngoài nên mỗi mình Hai thả bộ ra quán cà phê đầu hẻm cạnh tiệm cầm đồ, Hai ngồi ngắm mãi mưa rơi, những hạt mưa lạnh lay phay hắt vào tay, vào gương mặt bỗng dưng trầm ngâm. Không biết trong đầu Hai nghĩ gì khi ngắm con đường này, khu vực quen thuộc này mà suốt thời thơ ấu, suốt thời niên thiếu đã trải qua cảnh nhà nghèo em đông, một thủa xa xưa oai danh lẫy lừng trùm cảng mía. Bây giờ trở về với bụng phệ, một chân khập khiễng, bệnh tiểu đường và mái tóc nhuốm màu thời gian. Hai lần tìm kỷ niệm qua màn mưa trắng xóa… Duy bà chủ quán tỏ ra thông hiểu với Hai, mặc bộ đồ bộ soa không tay vằn vện hoa hoét đặc trưng như tất cả bà hàng quán, bà kéo ghế lại gần thăm hỏi thiết tha, tâm sự chuyện trời trăng mây nước với Hai, khách hàng quá sộp mỗi lần uống nước kéo ra một đám, cứ việc ghi sổ vài ngày thanh toán một lần nên tha hồ ghi năm ly thành bảy, tám ly thành mười ba… Bà hỏi Hai sao ngồi có một mình vậy, khi nào buồn mời anh quá bộ lại nhà em chơi cũng gần đây thôi!
Hai ăn sáng ngoài xe mì, Hai dạo chợ, Hai ra tiệm NET gửi e-mail… thảy đều có vài người dẫn đường, đi cùng. Về VN thật vui, tình cảm bao giờ cũng lai láng ngập lụt, vui một cách hiển nhiên, chỉ có điều hơi… hao thôi! Cuộc đời sao ưa mâu thuẫn, nơi dư tình thì thiếu tài, chỗ thừa tài thì hụt tình. Tình và tài chẳng mấy khi đi cùng với nhau cho thiên hạ được nhờ!
Nhưng không phải lúc nào mọi người cũng đến ké. Mỗi nhà dành nhau mời Hai ăn cơm. Dường như phải bữa cơm mới là con mộc đóng dấu chứng nhận cho tình cảm nên không thể từ chối nhà nào. Ăn nhà này là phải uống nhà kia. Có mặt nơi này, vắng mặt nơi khác thì Hai đừng hòng sống nổi. Út nấu phở, Tư cuốn bánh tráng Trảng Bàng phơi sương, Sáu ra-gu gà, bảo đảm hai con gà đang nằm xếp ve trong nồi có nguồn gốc từ dưới quê là nơi cúm gà chưa tái phát. Mười cũng chen chân bằng cách đặt mua một nồi bò kho bên đường hẻm số Bốn le te bưng qua và nói chính vợ mình nấu… Tóm lại là không ai đụng hàng. Chín là thư ký riêng lên một danh sách xếp hàng dài dằng dặc để không bị trùng giờ. Hai được mời ăn cơm khách tại nhà hay restaurant; dùng cơm VN cổ truyền hay đặc sản, hải sản; đi bar uống rượu hay nghe nhạc phòng trà… Hai liệu từ chối bớt còn để dành thời gian cho gia đình.
Có điều hơi phiền dường như gặp ai cũng phải xì chút quà, không có tự nhiên thấy kỳ, mà phải quà “ở bển” mới được, quà từ nơi khác về dứt khoát không phải quà. Dì Bảy đưa hộp trà sâm lên tận mắt ngắm nghía một cách thành thạo:
– Ờ, sâm này tốt lắm, uống “phẻ” lắm, “đát” tới năm hai ngàn lẻ bảy lận. Ủa mà sao “mết in Tai-Goăn”?
Tư nhanh nhảu giải thích:
– “Nó” sản xuất theo đơn đặt hàng “ở bển”, chỉ xuất qua bển thôi. Ngay tại Tai-Goăn cũng không có hàng này đâu. Nè dì coi túi xách mết in Ấn Độ, sơ-mi mết in Afganistan… toàn anh Hai con xách “ở bển” về.
Dì Bảy gật gù hài lòng, mọi người đưa mắt nhìn nhau. Vợ Út, chuyên viên mua sắm vì xuất thân đứng bán hàng cho cửa hàng bách hóa tổng hợp, đã ra chợ Tôn Thất Đạm mấy lần mua sỉ dầu gió xanh hiệu Con Ó, xà bông Camay, dầu gội đầu Pert, chocolate M&M… để Hai có cái trao tay. Thật ra không ai cần hay thích thú bản thân món quà đó, mà giống như những câu chuyện “ở bển”, giá trị món quà nằm ở chỗ của một đồng công một nén. Một chai dầu gió cũng được, một bánh xà bông cũng quý miễn ở bển xách về chứ hàng ở đây đầy dẫy, dù giống y như vậy hay tốt hơn, đẹp hơn cũng chẳng ai màng. Tuy nhiên, những thứ “made in ở bển” chính cống thì đám em Hai chia hầu hết rồi nên đôi khi Hai trốn khách…
Hai va li đầy nhóc cùng túi xách cầm tay đã được chia ngay ngày đầu tiên Hai về sau khi vãn khách. Có thứ Hai mua mắc tiền, thứ mua “xeo” trong siêu thị, nhà có gì không xài đến là quơ hết mang về. Đám em cháu Hai xúm xít chung quanh kiểm soát nhau chặt chẽ.
– Tao cho thằng Mười bịch năm chục cục pin để xài máy ảnh.
Tư nói ngay:
– Pin này chạy đồng hồ tốt lắm.
Sáu đế thêm:
– Nhà em có hai cái đồng hồ, một cái trên lầu, một cái dưới nhà.
Mười hiểu ý chia Tư và Sáu mỗi người mười cục pin. Hai đưa Út một gói kềm búa cũ không biết thuổng từ đâu. Tư giật liền cây kềm đa năng. Út ngạc nhiên.
– Nhà chị không có đàn ông, lấy cây kềm này làm chi? Nhưng Út hòa hoãn ngay. Thôi được rồi chị để đó mỗi lần nhà hư cái gì em qua sửa có sẵn đồ nghề.
Bịch cà phê chia năm. Sáu về nhà xách cái cân chạy qua chia công bằng đến từng miligram. Gói bột nêm sợ ẩm nên tạm để đó chưa chia. Chín rỉ tai Mười là Sáu nói nếu thằng Mười quên thì tao lấy luôn phần nó à nghen, nên chi Mười la lên khô ẩm gì cũng chia liền. Mấy cái quần công nhân rộng thùng thình Sáu chụp hết nói thằng Bắp Nếp con Sáu mặc vừa. Lấy thì cứ lấy chứ không hiểu lấy làm chi, mang về cũng để đó làm “kỷ vật cho em” chứ ai cũng biết Bắp Nếp mặc không vừa và đời nào chịu mặc.
Bỏ ngoài mấy cái vặt vãnh đó thì Hai về vui lắm. Kể luôn những cái vặt vãnh đó càng vui vì ở bển làm sao có được một bầy em cháu lau nhau, ồn ào, nhiều chuyện như thế này. Hai biết tụi nó có dư thừa chút đỉnh cũng không dám xài sang nên Hai trữ mấy thùng bia dưới gầm giường để phân phát từ từ. Hai mua gà rán Kentucky, sầu riêng, vô siêu thị mua hot-pie, hamburger… cho con nít ăn. Ngồi trong gian nhà chật hẹp cạnh sòng lô tô của tụi nhỏ, mâm nhậu của đám em trai, phụ nữ làm gì không biết cứ ra vô đứng lên ngồi xuống liên tục như đèn kéo quân. Giữa khung cảnh hết sức lộn xộn đó, giữa những âm thanh ồn ào, hỗn độn, chí chóe đó, Hai tràn trề một cảm giác được gọi đúng tên là hạnh phúc.
Saigon cô nương