SàiGòn Ơi!
By Trần Quốc Bảo
This article is only available in Vietnamese.
Sàigòn ơi! Người yêu ơi! Lúc nào tôi cũng nhớ tới Sàigòn. Hình ảnh dĩ vãng sâu đậm trong ký ức, Sàigòn chân tình thoải mái, Sàigòn rực rỡ yêu thương, Sàigòn bừng bừng sức sống, Sàigòn đầy ắp kỷ niệm của những năm tháng xa xưa mãi mãi sống động trong tôi.
Tôi đã xa Sàigòn với một khoảng cách khá lớn, cả không gian lẫn thời gian, nhưng tôi vẫn thường thấy lại Sàigòn thấp thoáng đâu đây, trong những vạt nắng hồng, những làn gió mát, và những đám mây chiều lang thang trên đỉnh núi.
Trong mộng mị, trong say sưa, hoặc trong những phút thần trí lạc khỏi vùng thể xác… từng thoáng bất chợt, tôi đã trở về với Sàigòn, gặp lại người em sầu mộng, với những đường phố quen thuộc, những cột đèn, Nhà thờ Đức Bà, khu Bàn Cờ, Viện Hóa Đạo, Cầu Thị Nghè, Dòng Chúa Cứu Thế, Chợ Bến Thành, Bến Tàu… và trường học thân yêu, và công viên kỷ niệm… hình ảnh của mỗi góc cạnh Sàigòn xưa hiển hiện ra rõ rệt nơi tiềm thức. Tôi chìm vào Sàigòn, tôi ở giữa Sàigòn, Sàigòn tràn ngập hồn tôi.
Buổi sáng, mỗi khi mở mắt ra, tôi đều ngỡ ngàng với sự hiện hữu của mình nơi miền đất tạm dung, nơi đây là Thủ Đô Hoa Kỳ, kiến trúc tối tân đồ sộ, ánh sang chói chang, âm thanh xa lạ; tất cả không quen thuộc, không đem lại gì cho tôi, dù một chút ấm áp trong tâm hồn. Tôi như người nghèo hèn lạc vào cung điện xa hoa, như kẻ mồ côi ăn nhờ ở đậu trong gia đình hạnh phúc. Nỗi buồn mênh mông dâng lên, dìm tôi xuống vực thẳm. Tôi cô đơn với mối sầu bất tận, dưới đáy đại dương.
Buổi tối, trút bỏ hết mọi phiền toái của thực tại, tôi nhắm mắt lại, thì dần dần Sàigòn hiện ra. Tôi nhìn Quê Hương tôi, con đường Nhà Thờ Chí Hòa, cây thánh giá cẩm thạch ở nghĩa địa Thánh Minh Tương tế, nấm mộ cha mẹ tôi, nơi tụ họp đọc kinh đông đảo của tất cả gia đình, họ hàng quyến thuộc. Cái bình cắm bông ở cuối mộ bị sứt mẻ, tôi tính thay mới mà chưa kịp; cỏ phía đầu mộ quá cao cũng chưa có thì giờ cắt xén… Tôi không mất mát một chút hình ảnh nhỏ bé nào của Sàigòn. Giấc mơ Sàigòn, du quyện lấy tôi, như một kẻ thất tình ấp ủ vô vọng hình ảnh người yêu.
Tôi mang tâm trạng của người đói khát giữa sa mạc chợt nhìn thấy ảo ảnh của giòng suối ngọt ngào.
Sàigòn ơi! Người yêu ơi! Trong những năm dài sống đời lưu vong, chợt mê chợt tỉnh với những giấc mộng êm đềm, đã bao lần tôi được về bên người, người em tóc dài, buổi sáng Chủ Nhật giọng em cao vút lời Thánh ca trong Vương Cung Thánh Đường. Chiều mưa Sàigòn xám đục, em đi học về, gót nhỏ vội vàng, gió thổi tà áo trắng bay bay. Tôi cũng có những cơn mơ kinh hoàng – Sàigòn rực lửa, người vợ trẻ đón chiếc trực thăng, gục xuống bên xác chồng đẫm máu. Bà mẹ già vuốt mắt đứa con yêu. Đứa con mồ côi bên đống rác, và người thương binh tàn phế trên vỉa hè…
Đã bao lần tôi trở lại giấc mộng lớn của người Việt Nam, với vũ khí, với nhung y, sừng sững đứng trấn ngoài biên ải, giữ thanh bình cho quê hương, đem yên vui cho dân tộc.
Sàigòn ơi! Người em nghìn trùng xa cách – thương em biết mấy cho vừa!
Sàigòn yêu ơi, mộng lớn không thành rồi, chỉ mơ tới em thôi.
Đêm qua tôi lại về bên em.
Tôi trở về Sàigòn, cùng với người yêu. Chúng tôi lang thang trên đường Lê Văn Duyệt, qua Tao Đàn, cây lá ngàn năm vẫn xanh như thuở nào. Ngang trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công, tôi thấy anh Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên Đoàn, đang đứng nói chuyện với anh Lê Văn Vịnh, chủ tịch Liên Hiệp Nghiệp Đoàn Trung Việt, hai anh vẫy tay chào. Đi khỏi Hội Kỵ Mã, vòng qua trường Quốc Gia Âm Nhạc, hôm nay ở đây đang có buổi thuyết trình, chúng tôi gặp hầu hết những bông hoa quen thuộc, nào là, Ánh, Hồng, Nhung,… nào là, Huệ, Thu, Dung, Ngân, Phượng, Sử, Khan, Lan… đủ hết cả những tên tuổi đẹp của Sàigòn mỹ lệ. Diễn giả Vương Hồng Sến đang thao thao bất tuyệt về đề tài “Nghệ thuật Chèo Cổ”.
Chúng tôi băng qua đường Gia Long vào Cửa Bắc chợ Bến Thành. Từ khu trái cây vòng tới khu bán quần áo trẻ con – Vợ chồng Tường Phi đang lui khui lựa đồ cho bé Ngọc. Chúng tôi bao ra ngoài đi quanh công trường Quách Thị Trang, những hình ảnh, những con đường quá quen thuộc lần lượt hiện ra như chiếc đèn cù. Đường Lê Lai với thật nhiều trẻ bán báo. Rồi Việt Nam Thương Tín có con gà ấp trứng vàng. Đến ga xa lửa. Cạnh đó là đường Phạm Ngũ Lão mặt đường nứt nẻ, nhiều ổ gà. Và đại lộ Trần Hưng Đạo rộng thênh thang, lúc nào cũng tấp nập xe cộ Sàigòn-Chợ lớn – ngay đầu đại lộ, cạnh cầu tiêu công cộng, ông Ba Sự vẫn còn ngồi lê lết đó sửa xe đạp, ông là một trong số những nhân chứng lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 – ngày mới lớn, đăng vào lính Tây, sang Pháp đánh giặc thuê, trở về V.N. Quốc Dân Đảng lên Cao Bằng làm Cách Mạng, trốn sang Tầu, rồi lại về làm thông ngôn trong quân đội Nhật, sau gia nhập Bộ Đội Việt Minh dự trận Điện Biên Phủ, đến ngày chia hai đất nước 1954, trốn vào Nam đi lính Cộng Hòa, đánh trận Hạ Lào bị thương cưa cụt hết cả 2 chân. Ông Ba Sự sửa xe đạp thật giỏi, nhưng có cái tật, thỉnh thoảng lại hát rống lên mấy câu: “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng – Đây Chi Lăng, đây Bạch Đằng, đây sông Lô, sóng căm hờn vút cao,…” giọng ồ ề, gân cổ nổi lên từng cục trông như ông khùng.
Góc phía bên kia đại lộ là hãng Singer, trương hình chiếc máy may có gắn điện, chỉ chạy được khi lên đèn. Lướt qua Hàm Nghi, chúng tôi đến Bonard, đại lộ Lê Lợi, mang nhiều kỷ niệm nhất của Sàigòn, con đường mà Thứ Bảy Chủ Nhật nào cũng là những ngày hội lớn. Nhớ về Sàigòn, trước tiên phải nhớ đến Lê Lợi vì đó là trái tim của Thủ Đô, nơi hội tụ những đẹp đẽ tinh hoa nhất của cả nước. Chỉ riêng với Đại Lộ Trung Tâm này Sàigòn cũng xứng đáng ca ngợi là “Viên Ngọc Trân Châu của Á Đông” rồi.
Đối diện với Cửa Đông chợ Bến Thành, là các tiệm Chà Và bán vải, đầu đại lộ Lê Lợi có tiệm Thuốc Tây, tiệm này đặt cái cân ngay cửa, chỉ để làm kiểng, cái cân suốt đời dán chữ “cân hư”. Góc cây cột điện trước tiệm Thuốc Tây là sạp báo đắt hàng nhất nước – đến sạp bán đồ chơi con nít và đủ thứ lỉnh kỉnh như bật lửa, kính đeo mắt, v.v… gọi là hàng ba-za hoặc là chợ trời. Các sạp hàng này nối tiếp nhau trên vỉa hè chạy dài cho tới đầu đường Công Lý.
Trên bực cửa Thương Xá Tam Đa lại cũng bầy biện tranh ảnh, khung hình, và gốc cây cột điện thứ nhì là một bàn khắc chữ, chú Bẩy Cần Thơ hành nghề này, nhưng đấy chỉ là nghề tay trái, chú khắc chữ dở ẹc, nghề chính của chú Bẩy là “ma cô”, (xin đừng vội chê chú Bẩy, thực ra chú là một người tốt, nếu không nói là rất tốt, để bữa khác tôi xin kể một chuyện đặc biệt về Tấm Lòng Vàng của chú).
Đoạn đường trước thương xá Tam Đa qua Nhà Hàng Quốc Tế, và phòng thâu băng nhạc Tú Quỳnh, lúc nào cũng đông nghẹt. Những “người đẹp Sàigòn” không có việc gì cả cũng phải tới đây lượn đi lượn lại vài vòng cho đời lên hương, để tràn ngập niềm vui chủ nhật. Xin chớ đi quá nhanh, đi “bát phố” là đi đếm cột đèn, không có mục đích mục tiêu gì ráo; vậy hãy qua bên kia đường, dọc bót Cảnh Sát Đô Thành, Bệnh Viện Sàigòn, đến rạp cinema Vĩnh Lợi. Hôm nay Vĩnh Lợi chiếu phim Việt Nam “Chúng Tôi Muốn Sống”, hình như xuất hát bắt đầu, tôi nghe vang vang tiếng nhạc Quốc Thiều…
Cạnh rạp là Thanh Bạch, quán giải khát có treo mành mành tre sơn màu xanh, màu trắng. Ngồi ở Thanh Bạch để thấy nhịp sống Sàigòn, nhìn những tà áo mầu thướt tha bên cạnh quân nhân Mũ Đỏ bận đồ dù da cọp, nhìn những môi cười rạng rỡ, những ánh mắt trong sáng, để nghe tiếng nói Việt Nam, những âm thanh quen thuộc, để nhận đây là Quê Hương tôi, Dân Tộc tôi, Đồng Bào tôi.
“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…” – đâu đây, radio mở lớn, giọng Thái Thanh trong đài Sàigòn đang ca một bản nhạc dân tộc. Tôi đan năm ngón tay mềm của người yêu, đưa nàng qua đường, chúng tôi tạt vào Thanh Thế, uống ly trà nóng Lipton chanh đường, ở bên Mỹ nơi sản xuất Lipton, mà sao uống không thấy ngon, phải trở về Thanh Thế, phải ngồi ở cái bàn vỉa hè, uống Lipton kiểu Việt Nam mới là kỳ thú. Thanh Thế là nơi gặp gỡ đông đảo của những người làm văn nghệ Miền Nam, tới ngồi “va-li” ở đó là gặp đủ mặt – Chu Tử, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Bàng Bá Lân, Tú Duyên, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Bùi Giáng… cà đến Bố Lãm cũng đôi lúc lảng vảng tới nữa.
Hồi nào, Tướng Dương Văn Đức, người điên thời đại, chiều chiều ưa ngồi Thanh Thế lắm, ông không uống Lipton mà uống Whisky, mặt đỏ lên và chửi vung vít, gọi thẳng tên tuổi bọn đầu sỏ ra rủa xả, – ông ta không điên tí nào cả, tôi đã lắng nghe lời thống trách nặng nề của ông, ông nói quá đúng – “chúng mày làm thế là bán nước, giết dân, chúng mày đào mả ông tiên ông tổ đổ xuống sông xuống biển, chớ Cách Mạng gì! Cách Mạng mà phản thầy lừa bạn ư? Đấc Nước này rồi thành địa ngục, Dân Tộc này rồi sẽ thành nô lệ…” Ông nói lảm nhảm. Ba hồi xổ tiếng Tây tiếng Mỹ loạn xà ngầu, cuối cùng khóc lên rưng rức. Viên đại úy cận vệ dìu ông ra xe đưa về. Sau này ông bỏ Thanh Thế lên Givral trước Quốc Hội, vẫn say nhè và tiếp tục chửi như vậy.
Qua ngả Nguyễn Du đến một dẫy các nhà sách, Xuân Thu, Sống Mới, Tự Cường, Tự Lực, Khai Trí. Nhà Khai Trí lớn nhất, có bán sách người Huế, “Công Tằng Tôn Nữ Huyền Trang”, cặp mắt bồ câu, má núng đồng tiền, nụ cười nửa miệng, e lệ tiếp khách hàng. Kệ sách ngay cửa xếp đầy báo Thiếu Nhi của Nhật Tiến, chuyện dài đầu tiên đăng trong Thiếu Nhi là “Công Chúa Thủy Tiên” của Quốc Bảo. Nhìn các em nhỏ tay nâng niu tờ báo, lật từng trang chụm đầu vào nhau mà đọc, dễ thương làm sao!
Tiếp tục dạo qua ciné Casino Sàigòn, con đường hẻm cạnh Casino dẫn ra phía sau là những quán ăn tấp nập về chiều tối, ở đó có tiệm phở Bắc khá ngon, chỉ phải cái nước phở cho nhiều mỡ quá, ăn ớn! Trước mặt Casino là vũ trường, tiệm bán đồ dùng cho bệnh viện, đến quán Mai Hương – các “em bé Sàigòn” thường dừng chân nơi đây, hoặc băng qua bên kia đường, sà vào Viễn Đông làm ly nước mía – kế Viễn Đông có quán nhỏ bán Bò Bía, Bò Kho và Bánh Cuốn, rồi đến sạp bán sách báo cũ trải dài ngay trước chùa Chà, Chùa có nuôi hàng ngàn con bồ câu. Sân cỏ sau chùa là đại bản doanh của các em bé đánh giầy. Qua chùa Chà đến phở Tín và Tôm Cua Thanh Xuân.
Trở lại dọc đường Lê Lợi, một cao ốc, trên lầu là trường Anh ngữ Bích Á, dưới là quán ăn Phan Thị Trước, và nhà thuốc tây Nguyễn Thị Hai. Kế đến rạp ciné Rex và Mini Rex A-B. – Những cao ốc nổi danh bên kia đường là Pole Nord, và thương xá Charner. Qua Charner đến tiệm kem, khu chợ trời và Tòa Hòa Giải.
Phía trước Tòa Đô Chánh, là sân cỏ mà không Quân thường triển lãm các tranh ảnh chiến sự, – và hàng dẫy các kiosque giữa đường Nguyễn Huệ chạy dài cho tới bến Bạch Đằng. Ở cuối con đường tôi yêu, là nhà Quốc Hội, bên phải, cao ốc Continental, trái là Caravelle, trước mặt, Givral, Phòng Thông Tin Đô Thành, nhà hàng đồ gốm Thành Lễ. Suốt lề đường cạnh Phòng Thông Tin: Những tranh lụa, tranh dầu tranh sơn mài… bày biện la liệt như một khu triển lãm hội họa lộ thiên, giá bán rẻ mạt vì tác giả chỉ là những tay thợ vẽ, chuyên vẽ cọp. Tuy nhiên có trường hợp đặc biệt là thỉnh thoảng bên cạnh các sản phẩm bôi bác ấy, thấy một bức thủy mạc thật nghệ thuật; đó là tranh của nữ họa sĩ Bé Ký, người cầm cọ nghèo nhất miền Nam, có biết danh “Cô Bé Lọ Lem” nhưng lại là một thiên tài.
Từ khu triển lãm hội họa lộ thiên này nhìn ra phía giữa đường – đối diện với Quốc Hội, phải kể tới bức tượng xung phong của Thủy Quân Lục Chiến – hai anh lính súng cầm tay hung dũng lao đầu tới, trong cái thế không thể dừng lại được nữa, tôi vốn yêu bức tượng gồ ghề ấy; – đứng gần thì thô kệch, xấu – nhưng ở xa thấy thật là oai phong, chiều mưa lớn nhìn tượng, phải nhận là “có hồn”, các hồn anh linh của những chiến sĩ vô danh, đã hy sing vì Dân Tộc, dường như lẩn khuất trong gió mưa, trong những giọt nước mắt chảy dài trên mặt người lính chiến! – Bây giờ, bức tượng đã tan nát, cát bụi trở về với cát bụi! Đất nước tôi chìm đắm trong “hỏa ngục đỏ”!
Giờ này đây, Sàigòn đổi tên. Người yêu tôi không còn đi trên đường Lê Lợi. Các cửa tiệm lớn nhỏ đóng lại rồi… Nụ cười đã tắt, ánh mắt lo âu, lời ca tiếng nhạc không còn. Đời sống Dân Tộc tôi bây giờ là đói khổ, là tù đầy.
Sàigòn ơi! Ngày em hấp hối là ngày tôi cay đắng ra đi. Tôi đã vĩnh biệt em với hành trang là nỗi đau quá lớn, nỗi đau cao vời! Tàu đến sông Nhà Bè, nhìn lại Sàigòn, kho đạn Thành Tuy Hạ phát nổ dữ dội, ánh lửa hồng bao phủ em yêu. Phi trường Tân Sơn Nhứt bị pháo kích nặng, những tia sáng vọt lên nền trời đen tối, tiếng nổ liên hồi làm rung động cả Thủ Đô.
Con tàu đi xa, đi xa lần đến hải phận quốc tế, bắt đầu mưa, đứng trên boong tôi nhìn mãi về em – Tất cả Sàigòn chỉ còn là một đốm sáng nhỏ lẫn vào các vì sao, lẫn vào sóng nước, mưa đêm.
Em yêu ơi! Bây giờ em ở đâu? Có phải trên trời xanh bát ngát kia, em đang gửi từ Sàigòn đến cho tôi những làn khói mây mầu xám? Có phải mây trời lang thang đó in đẫm hình ảnh em tôi? ◘
Trần Quốc Bảo
March 21st, 2010 at 5:26 am
một người đất Bắc như tôi, ở SG và luôn nói mình chưa yêu thành phố này, đã rung động bởi bài viết của bạn.
August 3rd, 2010 at 8:45 pm
SAi GOn gio day dep hon bao gio het va nhung con nguoi o day yeu Thanh Pho Ho CHi MInh cua hoc hon bao gio het 😉 DU sao cung cam on chu vi nhung cam xuc sau sac ve que minh 🙂
January 10th, 2011 at 2:37 am
Tôi thực sự thấy yêu Sài Gòn hơn khi đọc bài viết của bạn.