Tản Mạn về Tiếng Việt và Tuổi Thơ Richmond
By Hiếu Liêm
This article is available only in Vietnamese.
“Chữ Quốc ngữ, tiếng nước ta, con cái nhà, đều phải học…”
Đọc những dòng chữ trên từ bài viết của Học giả Đỗ Thông Minh làm tôi không khỏi bật cười cách thú vị, và nhẩm tiếp : “miệng thì đọc, tai thì nghe, chớ khóc nhè …” Tôi miên man nghĩ tới cái thuở “nhân chi sơ, tính bản thiện” mà bất kỳ ai cũng đã trải qua. Cái thuở mà việc học đọc, học viết, học nói tiếng Việt mặc nhiên trở thành bổn phận hàng đầu của hầu hết tuổi thơ Việt Nam. Và rồi, không thể không nghĩ tới tuổi thơ hải ngoại nói chung. Bài viết này không chú trọng đến tiếng Việt và trẻ em đang sống tại Việt nam, mà chỉ muốn đề cập đến một mối tương quan giữa một ngôn ngữ, mà ta thường gọi là “tiếng mẹ đẻ,” và các em gốc Việt Nam được sinh ra và lớn lên ở thành phố Richmond nhỏ bé này.
Đứa cháu 7 tuổi của tôi vừa bước vào nhà, liền chạy tới vòng tay lễ phép :”Thưa chú cháu về.” Chúng tôi liền bật cười to tiếng vì có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời nghe được câu chào ngộ nghĩnh như vậy. Tôi liền sửa lại ngay để cháu có thể nhớ và nói “thưa chú cháu mới tới.”
Tiếng Việt quả thật là đáng mến yêu! Có lẽ khi còn ở Việt Nam, tôi không có cái cảm xúc mà tôi đang có bây giờ. Tôi bỗng nhớ lại hành trình từ khi rời khỏi quê hương, lần đầu tiên bước ra thế giới. Chúng tôi nói chuyện rôm rả với nhau về những lo lắng và hoang mang trên chuyến bay từ Việt Nam sang Hồng-Kông. Chuyến bay toàn là người Việt. Bù lại, từ San Francisco, qua Chicago và về Richmond, cảm giác lạc lõng càng lúc càng gia tăng. Tôi không thể giao tiếp, không hiểu, không thể diễn đạt rõ ràng một điều gì với những người xung quanh. Trong suốt chuyến bay cuối cùng, tôi luôn hy vọng có thể gặp được người Việt Nam khi đặt chân xuống phi trường. Cũng vì vậy, trong những tháng đầu ở Mỹ, tôi đều tham gia đi đón những gia đình tị nạn, có thể nói là những gia đình cuối cùng đến Richmond trong thời gian đó. Lý do thật đơn giản, tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng có chung tâm trạng giống tôi ở lần đầu tiên đặt chân đến Mỹ, là có thể giao tiếp với những người xung quanh bằng … tiếng Việt.
Gần nửa đời người, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi mang theo hành trang không ít vốn liếng tiếng Việt. Về lại Việt Nam sau 8 năm, người xung quanh khó có thể phân biệt khi tôi dùng tiếng Việt rất chuẩn trong giao tiếp. Nhưng tôi vẫn nhận ra một lỗ hổng lớn cho riêng tôi. Tôi quên dần những từ ngữ mà tôi không thường xuyên dùng tới. Đôi lúc, tôi phải mất cả gần nửa ngày để nhớ ra một từ chính xác của tiếng Việt để dịch ra từ tiếng Mỹ. Một thoáng tự xấu hổ của bản thân làm tôi liên tưởng tới các em, tới con cháu của tôi đang sống cách vô tư ở thành phố này.
Các em được sinh ra và lớn lên ở xứ sở nói tiếng Mỹ. Các em nói tiếng bản xứ lưu loát hơn; thích dùng tiếng Mỹ hơn tiếng Việt là điều đương nhiên. Các em mang quốc tịch Mỹ, nhưng vẫn được gọi là “người Mỹ gốc Việt.” Các em trở thành thế hệ nối tiếp của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Người Việt Nam ở vùng thủ phủ Richmond này chỉ là một thiểu số. Nhưng cũng giống như trên toàn thế giới, cộng đồng người Việt ở Richmond vẫn có chỗ đứng của mình.
Người Mỹ bản xứ rất thích các sinh hoạt văn hóa của các sắc tộc thiểu số, được thể hiện cách đặc biệt qua các dịp lễ hội. Họ vẫn thường khuyến khích việc bảo tồn nền văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Với điểm này, nước Mỹ được người Việt Nam dịch ra là “Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ” cũng thật là đúng nghĩa thay. Nói tới việc bảo tồn văn hóa của một dân tộc, không thể bỏ qua việc bảo tồn ngôn ngữ của dân tộc đó. Đã là người Việt Nam, hay là gốc Việt Nam, đều nên biết và sử dụng được tiếng Việt Nam.
Bảo tồn là duy trì, là gìn giữ. Lúc này tôi lại càng thấm thía hơn ý tưởng: tạo ra một cái gì đó đã khó, giữ cho nó tồn tại lâu dài lại càng khó hơn. Tôi đang mất dần chữ nghĩa tiếng Việt, những từ không thường xuyên dùng tới, trong kho tàng ngôn ngữ của tôi. Điều đó đối với tôi đã là một khiếm khuyết, huống hồ là các em, những người chỉ được biết chút ít, hay là chưa được biết tới tiếng Việt. Nếu các em không được học, thì sẽ không biết; mà đã không biết tiếng Việt, thì không thể yêu mến nó được. Thật là tội nghiệp cho tiếng Việt lắm thay!
Sau 2 năm ở Mỹ, tôi gặp lại thằng bạn cũ từ thuở nhỏ ở Buffalo, NY. Anh ta vượt biên từ năm 1978, được một gia đình người Mỹ bảo trợ và nuôi ăn học. Bây giờ anh đã có sự nghiệp, công ăn việc làm vững chắc. Gặp lại, chúng tôi tay bắt mặt mừng trong cái tiếng Việt ngập ngừng của anh ta, cũng như sự hụt hẫng về tiếng Mỹ của tôi lúc bấy giờ. Ba năm sau, tôi ghé thăm gia đình của anh ta ở Falls Church, một thành phố miền bắc của Virginia. Thật đáng ngạc nhiên, anh ta nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt cách trôi chảy mà không cần dùng tiếng Mỹ để diễn tả thêm ý gì. Anh ta cho biết sau khi bảo lãnh bố mẹ qua Baffalo một thời gian ngắn, anh đã dời cả nhà về Virginia, nơi có đông người Việt sinh sống. Điều này sẽ giúp bố mẹ anh thích hợp hơn trong việc giao tiếp xã hội. Mặt khác, anh phải học lại tiếng Việt để nói chuyện và hướng dẫn họ trong đời sống mới ở đây. Anh kiếm thêm bạn bè Việt Nam; mua sách về đọc; cố gắng không dùng tiếng Mỹ ở nhà và với người Việt Nam để học hỏi tiếng Việt. Thậm chí, anh ta dùng luôn một số tiếng lóng mà tôi có thể nhìn ra sự tự hào của anh ta ngầm chứa trong những câu nói đó. Quá trình học hỏi đã không phụ lòng anh ta.
Học “tiếng mẹ đẻ” lúc nào cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn là học bất kỳ một ngôn ngữ nào. Điều này vẫn được nhấn mạnh bởi các nhà ngôn ngữ học và các nhà nghiên cứu về não bộ con người. Khả năng học song ngữ hay học hơn một ngôn ngữ là chuyện bình thường đối với bất kỳ ai. Đặc biệt, bộ não của các em, ở độ 8 tuổi, đã lớn bằng 80% não bộ của người trưởng thành. Bởi vậy, sức học ngôn ngữ nơi các em nhỏ lúc nào cũng mạnh mẽ hơn người lớn chúng ta nhiều lắm. Không lo các em không giỏi tiếng Mỹ, chỉ lo các em không được biết nhiều về tiếng Việt mà thôi. Người trưởng thành có ý thức hơn và có thể tự học. Các em cần có người đốc thúc, hướng dẫn và khuyên bảo. Đó là trách nhiệm của thế hệ đi trước vậy.
Đầu năm 2005, vào dịp TẾT Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, không khí của Richmond vẫn bình thường như mọi năm. Thế nhưng, tôi đoan chắc rằng, trong mỗi gia đình Việt Nam ở đây đều không quên những nghi thức truyền thống trong ngày mùng Một. Gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi kiếm giờ quy tụ gia đình, áo quần tươm tất. Bố mẹ tôi chuẩn bị sẵn những phong bì màu đỏ truyền thống trên tay. Chúng tôi tuần tự chúc tuổi bố mẹ và đón nhận lì-xì cùng với lời chúc từ bố mẹ. Chỉ có phần các cháu chúc Tết ông bà là không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Cũng như mọi năm, chị tôi đẩy hai đứa cháu ra trước và nhắc chúng nó chúc ông bà. Chúng nhìn cái bao màu đỏ và đoán ra sẽ có ít nhiều trong đó. Đứa lớn, năm nay đã hơn mười tuổi, im lặng một hồi, hai tay xoắn lại với nhau rồi từ từ lui lại, nép sát vào người mẹ nó. Cũng như những lần trước, mẹ nó mớm lời, và cháu lặp lại. Bố mẹ tôi luôn giữ nụ cười trên môi trong lối nói ngượng nghịu của cháu và nhìn chúng khuyến khích. Sau đó, bố mẹ tôi ôm lấy hai đứa cháu và mừng tuổi cho để chúng có thể tiếp tục những gì đang bị dở dang.
Không ai trách các em cả. Nhưng sau đó, tôi thường thầm mong muốn các em có thể hiểu về những hành động đầy ý nghĩa đó và biết các em đang nói gì. Nếu các em có thể nói bột phát thì thật là hay biết bao. Chắc chắn các em sẽ vui hơn, thoải mái hơn khi không bị bắt nói những từ mà các em chẳng mấy khi biết tới. Lời chúc của các em, đương nhiên, không cầu kỳ như người lớn, nhưng sự đơn sơ vốn có trong lối suy nghĩ đơn giản của các em cũng đủ làm vui lòng những người khó tính nhất vậy.
Muốn được như vậy, các em phải được học. Nói tới từ “học,” tôi liên tưởng ngay tới chữ “trường.” Có lẽ thành ngữ “đi tới trường” luôn gắn liền với việc học chăng(?). Nhưng đúng ra, trong suốt đời sống con người, theo thiển cận của tôi, có tới ít nhất là ba lối học, ba cách thức để học. Học ở nhà bởi sự chỉ bảo của ông bà, cha mẹ, anh chị; học ở trường với sự dạy dổ của thầy cô theo một khuôn mẫu chung; học ngoài đời trong ý thức tự giác. Vì vậy, ta có tới ba ngôi trường để học: tư gia, trường học (nghĩa đen) và xã hội. Học tiếng Việt cũng được áp dụng trong ba ngôi trường đó.
Gia đình là môi trường dạy tiếng Việt tốt nhất. Các em được dạy ngay từ trong bụng mẹ. Hay nói cách khác, não bộ con người đã phát triển cho việc học ngôn ngữ ngay khi còn trong bào thai. Vì vậy, ngày nay người ta thường khuyến khích các bậc cha mẹ thường xuyên nói chuyện, đọc truyện, thậm chí là hát với con của mình trong thời gian cưu mang. Khi các em bập bẹ tập nói, nên dùng tiếng Việt nói với các em. Thời gian các em nắn nót tập viết và tập đọc trong chương trình tiếng Mỹ, cũng là thời gian tốt nhất để giúp các em đi đến với song ngữ. Đến khi các em trưởng thành, bước ra xã hội, việc học thêm về tiếng Việt tùy thuộc vào ý thức của các em. Vì vậy, từ 5-6 tuổi cho đến 15 tuổi là khoảng thời gian nên được trau dồi tiếng Việt cho các em. Nói thì dễ, thực tế cho thấy phần lớn các gia đình ở Mỹ đều thiếu hụt về thời gian. Trong khi đó, tiếng Việt ở Mỹ chưa được đưa vào chương trình chính thức. Dạy thêm cho các em tiếng Việt ở nhà đòi hỏi bố mẹ lòng kiên nhẫn và thời gian, những điều mà không phải muốn là có thể có được. Vả lại, học một mình ở nhà dễ làm cho các em nản chí. Việc vui đùa với bạn bè đồng trang lứa, song song với việc học chung là một tác động hết sức tích cực trong việc học của các em, về nhân bản lẫn kiến thức. Đó là lý do tại sao mọi trẻ em cần được gởi tới trường.
Có nên chăng một ngôi trường dạy tiếng Việt ở Richmond? Nghĩ tới đây tôi thầm cám ơn sự đóng góp của Chùa Huệ Quang và Nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Richmond trong suốt thời gian tôi được biết tới các lớp dạy tiếng Việt, khi định cư ở thành phố này. Các lớp có khoảng 40-50 em, đây là con số đáng khích lệ. Nhưng so với tổng số các em người Mỹ gốc Việt trong cả thành phố thì đó chỉ là một con số hết sức khiêm nhường. Cộng đồng người Việt ở Richmond đang hình thành, có lẽ việc tạo ra một ngôi trường dạy tiếng Việt cách chính thức sẽ là chuyện trong tương lai. Đây cũng là mơ ước của các anh chị đã bỏ công sức riêng mình ra để giúp bảo tồn một nét văn hóa của dân tộc, dạy tiếng Việt cho các em mỗi cuối tuần. Nói chuyện với các anh chị thiện nguyện dạy tiếng Việt, tôi thấy ra nhiều khó khăn trong các gia đình. Các lớp hầu như đều được thực hiện vào cuối tuần nhưng bố mẹ lại phải đi làm, thiếu phương tiện, thiếu người đưa đón… Trong những khó khăn có thể đếm được, tôi chợt nhận ra một điểm hết sức then chốt. Các em không biết phải học tiếng Việt để làm gì.
Chúng ta, những người trưởng thành, đều hiểu rằng cái gì cũng phải học. “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Học để biết về một cái gì, để đạt tới một mục đích, để đáp ứng một nhu cầu nào đó trong cuộc sống. Đời sống của mỗi người đều tùy thưộc vào trình độ hiểu biết của người đó. Nói nôm na, học để nên người, như ông bà ta vẫn khuyên dạy con trẻ từ xưa tới nay. Vậy, học tiếng Việt, tôi có thể nói, để trở thành người Việt Nam hơn nữa.
Có thật nhiều lý do vì sao nên cho các em học tiếng Việt, nhưng ở đây, tôi chỉ mạo muội nêu ra ý kiến của riêng mình. Trước hết, tiếng Việt là một nhịp cầu thông cảm và hết sức thân thương giữa ông bà và các cháu; sau đó, khi các em có ý thức về nguồn gốc của bản thân, các em không bị hụt hẫng và có thể tự hào về dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản mình; và rồi, các em có thể sẽ đóng góp tài năng của mình cho dân tộc cách thiết thực hơn. Nếu các em về Việt Nam trong một dịp nào đó, có lẽ các em sẽ cảm thông nhiều hơn cho ông bà cha mẹ, những người đang sống ở quê hương thứ hai này, phải đối diện với sự bất đồng ngôn ngữ. Các em chưa hiểu tại sao phải học tiếng Việt, trách nhiệm này thưộc về chúng ta.
Trong tờ Phố Nhỏ số 891, ra ngày 16-9-2005, theo dòng sự kiện của thảm họa xảy ra nơi bờ biển Nam Mỹ, vịnh Mễ-Tây-Cơ, bài báo về “Tin bão Katrina” cũng đã nêu ra một vấn nạn trước mắt. Vì trở ngại ngôn ngữ, cộng đồngViệt Nam đã có thể gặp nhiều rủi ro hơn, nhất là sự khó khăn trong việc tìm hiểu những sự trợ giúp của chính quyền (trang A2, A7). Thật xúc động khi bài báo diển tả hình ảnh em Adam Nguyễn, 13 tuổi, học sinh lớp 7, “đang loay hoay tìm cách thông dịch cho ông bà em và những người khác hiện đang tạm trú trong Chùa Vạn Đức“ về tình cảnh của cơn bão. Và em đã khẩn khoản mong muốn các tin tức về cơn bão có thể được thông báo bằng tiếng Việt, như vậy ông bà em sẽ có thể hiểu biết được nhiều hơn, để được an tâm hơn. Bài báo còn đề cập đến ý kiến của ông Tom Hegele, phát ngôn viên của Cơ quan Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang (FEMA), rằng họ đang cố gắng dịch nhiều tài liệu hướng dẫn cứu nạn sang tiếng Việt và gởi tới nhiều nhân viên biết nói tiếng Việt đến vùng bị bão. Điều dáng tiếc là, ông ta nói, “có nhiều người gốc từ Việt Nam mà lại không nói được tiếng Việt (?)” (trang A7). Tôi trích nguyên văn của bài báo để cho thấy rằng, tác giả cũng đã nhận ra việc dùng song ngữ trong hoàn cảnh trên đã trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Có thể em Adam Nguyễn, sau kinh nghiệm vừa qua, sẽ tự trau dồi và học hỏi tiếng Việt nhiều hơn. Tại sao chúng ta không giúp các em đến với tiếng Việt càng sớm càng tốt? Tôi lại nghĩ tới việc nên có một hình thức nào đó để các em có thể học tiếng Việt cách mô phạm, trường lớp hẳn hoi. Và dĩ nhiên, đây là việc của tương lai, nhưng mơ ước vẫn là mơ ước.
Tôi đã thấy cần chấm dứt dòng tư tưởng ở đây. Đứa cháu kiên nhẫn đứng im bên cạnh, chờ tôi làm xong công việc. Tôi coi lại bài viết lần cuối rồi lưu trữ lại cẩn thận. Mở trò chơi cho đứa cháu của tôi trên máy vi tính, tôi đứng lên nhường chỗ và bước vội ra ngoài. Tôi bỗng khựng lại vài giây vì nghe câu “cám ơn chú” vang lên sau lưng. Hết sức thú vị, tiếng “cám ơn” bằng tiếng Việt, từ một đứa trẻ, nó tròn trĩnh và dễ thương làm sao! ◘
Richmond, 09/29/2005
October 28th, 2010 at 6:37 am
“con rồng cháu tiên”
March 15th, 2012 at 10:17 am
Thưa Ông
Câu thơ:
Quốc Ngữ chữ nước ta.
Con cái nhà đều phải học
là của ai sáng tác? Cám ơn Ông.
Trân trọng