Những Cái Tết Thời Thơ Ấu
Tác Giả: Kim Hương. First published in Hoi Nguoi Viet Magazine Xuan Hy Vong Edition, Spring 2008.
Tôi sinh và lớn lên ở tỉnh Bắc Giang miền Bắc. Phong cảnh nơi đây rất thơ mộng và dân tình thật hiền hòa. Không biết nhận xét của tôi có khách quan không, nhưng chỉ biết rằng tôi thương yêu Bắc Giang của tôi lắm.
Bắc Giang là một tỉnh lỵ nhỏ bé, trước đây còn có tên là Phủ Lạng Thương. Nơi có con sông Thương nước chảy đôi dòng, bên đục bên trong và quanh năm tấp nập trên bến dưới thuyền. Rặng núi Neo trải dài gần một trăm ngọn phủ đầy thông xanh mướt tô điểm thêm cho tỉnh lỵ nhỏ bé này.
Bắc Giang có nhiều thổ sản, như vùng Cao Thượng gần phía Nam Yên Thế có nhiều rừng hạt dẻ; làng Bố Hạ trồng cam sành, cam giấy, quít bộp vỏ xốp nhưng rất ngọt và bưởi đường; làng Phổng trồng mía sản xuất đường, mật giọt, đường phèn và đường thẻ.
Từ làng Xuân Đám đi đò qua sông vào Huyện Yên Dũng có chợ Neo buôn bán tơ tầm, lụa nõn và sồi do làng Cảnh Thủy sản xuất. Cảnh Thủy sống về nghề dệt lụa.
Hướng đi Lục Nam thì có dứa mật do làng Sàn trồng. Loại dứa này tròn, nhỏ trái nhưng mắt to. Khi chín, vỏ màu nâu, bổ ra ruột trong vắt, nên gọi là dứa mật. Đặc sản của làng Thanh Dã là dưa hấu vỏ xanh, ruột vàng, hột nâu.
Hướng đi Lạng Sơn – quốc lộ số 1 – nhiều vùng dọc quốc lộ trồng trám trắng, trám đen. Dùng trám trắng làm ô mai hoặc kho cá thì ngon tuyệt. Trám đen nhồi thịt và đem hấp cũng là một món ăn vô cùng hấp dẫn. Ngoài ra, vùng này còn có quất hồng bì, hồng, Phật thủ, nấm, mộc nhĩ và nhiều
Chung quanh tỉnh, vùng quê có những phiên chợ, nhóm họp 5 ngày 1 buổi như chợ Kế, chợ Vẽ, chợ Giỏ, chợ Vôi. Xa nữa là chợ Kép, bên kia sông có chợ Đa Mai.
—
Hàng năm gần Tết, mẹ tôi đi chợ Kế để sắm Tết vì chợ to và bán nhiều mặt hàng vào dịp này. Mẹ tôi mua sắm chẳng thiếu thứ gì. Nào gạo nếp, đậu xanh, lá dong và ống giang làm lạt để gói bánh chưng; nào thịt heo để làm nhân bánh và nấu cỗ; thủ lợn làm gìò thủ; chân gìò để ninh măng. Chẳng năm nào mẹ quên mua một con gà sống thiến, một con gà mái dầu và 1 gói bột đã chín khô cắt từng thỏi nhỏ nhuộm xanh đỏ để cho vào chè lam cho đẹp. Thế nào mẹ cũng mua lạc, vừng, vân vân.
Mẹ tôi chọn lựa kỹ càng đồ mã để bày bàn thờ: vàng khối có dán mặt kính và trăng kim, giấy tiền vàng bạc, quần áo, giầy dép, vv… và hương đen. Loại hương này chỉ chợ quê mới có bán vào dịp Tết, làm bằng nhựa trám, đốt lâu tàn và mùi thơm đặc biệt. Bà tôi nói là ngày Tết bàn thờ lúc nào cũng phải chăm cho đèn nhang thắp cháy để tránh hương lạnh khói tàn.
Tôi thích nhất chỗ hàng bán tranh Tết: tranh lợn gà, đám cưới chuột, thằng bé ôm gà, ôm vịt. Hầu như nhà nào cũng mua tranh hai Ông Tiến Tài, Tiến Lộc để dán hai cánh cửa chính hi vọng rước tài lộc vào nhà mình. Tranh Hứng Dừa thật là tức cười: anh thì đóng khố chèo hái dừa, chị thì xoè váy ra để hứng dừa. Những bức tranh quê mộc mạc đơn sơ, nhưng dí dỏm, trào phúng và đậm nét văn hóa Việt Nam.
Qua đến hàng hoa, mẹ tôi đi tới đi lui chọn mua hải đường, cúc, quất. Thể nào cũng có một cành đào đầy nụ chỉ chờ nở để mừng đón giao thừa.
Còn những đồ khô như trà tầu, bánh kẹo mứt mơ, miến, nấm, bóng, mực thì mua tại các cửa hàng ở tỉnh.
Chợ ngày Tết đông nghẹt người đi mua sắm. Người dân làm ăn vất vả quanh năm, dành dụm được chút ít chỉ để tiêu dùng trong ba ngày đầu Xuân. Thường chợ chỉ họp đến quá trưa một chút là tan, nhưng chợ Tết thì đến gần chiều mới vãn.
Hai mươi tám Tết, mẹ tôi bắt đầu gói bánh chưng. Vật liệu nấu bánh đã chuẩn bị từ ngày hôm trước như ngâm gạo, đãi đậu, vv. Mẹ tôi khéo tay được cả họ khen là gói bánh chắc và đẹp: bánh vuông vắn cao thành có góc cạnh. Chị em tôi bao giờ cũng được mẹ gói cho vài cái bánh nhỏ, mừng ơi là mừng!
Thầy tôi phụ trách luộc bánh vào buổi tối. Người lo châm nước và củi. Cả nhà vây quanh nồi bánh nấu ngay trên sàn bếp. Trẻ con lùi khoai ăn lai rai cho đến lúc buồn ngủ trong khi người lớn chơi tam cúc để canh bánh… Sáng vớt bánh ra và nén cho khô nước bánh mới rền.
Thầy mẹ tôi chọn những bánh đẹp để ban thờ, còn đâu buộc bánh thành từng cặp nhưng rời nhau, rồi treo lủng lẳng vắt ngang qua một cái đòn tre dài. Hồi đó làm gì có tủ lạnh như bây giờ, treo bánh kiểu này thoáng hơi, có thể giữ bánh được cả tháng, nhất là mùa Đông khí hậu miền Bắc cũng khá lạnh.
…Gần đến Tết chúng tôi được nghỉ học. Tỉnh tôi có hai trường công: trường con trai gọi là Trường Pháp-Việt Phủ Lạng Thương và trường con gái: École des Jeunes Filles. Trước khi nghỉ học, hai trường xếp hàng đi lên dinh Quan Chánh Sứ để chúc Tết. Nghe huấn thị xong, học trò trở về Nha Học Chính mừng tuổi Quan Kiểm Học. Nghe huấn thị xong thì giải tán, ai về nhà nấy.
Suốt mấy ngày trước Tết, gia đình tôi tổng vệ sinh nhà cửa. Dọn dẹp các phòng, hạ cánh cửa xuống để rửa, giặt rũ chăn mền, quần áo. Thầy tôi lau chùi bàn thờ, đem đồ thờ bằng đồng ra đánh bóng bằng tro trộn chấu. Trong nhà, nơi nơi đều gọn gàng tươm tất.
Sáng 30 Tết, bàn thờ đã được bầy biện trang nghiêm. Mấy cành hải đường trang trọng đứng trong những lọ lộc bình bằng đồng cao. Mấy chậu cúc vàng, mấy bụi quất màu cam đậm tô điểm thêm cho căn nhà chúng tôi sẵn sàng đón Tân Xuân.
Chiều 30 Tết, mẹ tôi đặt mâm cơm cúng lên bàn thờ xong, thầy tôi khăn áo chỉnh tề, thành kính khấn vái mời tổ tiên, ông bà và các người thân đã quá cố về ăn Tết với con cháu. Sau đó mẹ tôi sửa soạn hương hoa để cúng giao thừa. Thầy mẹ tôi cũng dặn chúng tôi ba ngày Tết phải ngoan ngoãn, ăn nói nhẹ nhàng, đừng cãi nhau, không gây tiếng động để tránh mọi xui xẻo cả năm.
Sáng mùng một Tết, mẹ đánh thức chị em tôi dạy rửa mặt đánh răng. Thau nước nóng đun bằng những cành mùi (ngò) già có cả hột lẫn hoa, tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu làm sao. Chải đầu gọn gàng và thay quần áo mới xong, chúng tôi vô cùng sung sướng ngồi chờ thầy tôi coi đúng giờ là đi xuất hành. Ba cha con tôi đi đúng hướng đã định, rồi về thăm mộ các cụ, thắp nhang mời các cụ về ăn Tết với con cháu.
Trên đường về mưa Xuân bay lất phất nhẹ nhàng bám vào áo chúng tôi như làn sương mỏng, khẽ phủi là đi hết. Tới cửa nhà, thầy tôi đốt một phong pháo, tiếng pháo nổ vang thật vui tai. Xác pháo hồng phủ khắp trước nhà. Cha con tôi xông nhà và chúc Tết bà nội tôi. Bà tôi mừng tuổi cho mỗi đứa một hào bạc; thầy tôi cho một hào và mẹ tôi cũng cho một hào. Thế là mỗi đứa đã có ba hào bạc trong tay. Chúng tôi vui mừng quá vì ngày thường có bao giờ được nhiều tiền như thế này đâu. Bà nội dặn là phải bỏ ống không được mua quà hay đánh tôm cua cá.
Cả ngày mùng một, chúng tôi phải ở nhà, không được đi chơi. Chị em tôi chỉ loanh quanh đánh tam cúc, hoặc đi nhặt những viên pháo lẻ chưa nổ trong đám xác pháo Hội Người Việt Richmond 14 Xuân Hy Vọng hồng trước nhà. Chúng tôi bẻ đôi những viên pháo này, nhưng vẫn để hai phần dính nhau. Là gái nên chúng tôi rất nhát, vì vậy khi đốt chúng tôi để pháo xuống đất rồi mới dám châm ngòi. Pháo không nổ chỉ kêu xì xì và chạy loanh quanh dưới đất trước khi tắt.
Trong nhà, đèn đóm sáng trưng. Trên ban thờ, khói hương nghi ngút. Cúng cơm xong, gia đình tôi quây quần vui vẻ quanh mâm cơm vừa hạ xuống, nhưng đã được hâm nóng lại. Bà, ông cậu, thầy mẹ tôi nét mặt nghiêm trang nhưng tươi vui, hiền hòa. Bọn nhỏ chúng tôi ngồi ăn ngay ngắn, không đánh rơi đánh vãi, không khua đũa khua bát. Quang cảnh ngày Tết thật ấm cúng!
Thỉnh thoảng có họ hàng hay khách đến chúc Tết thì mẹ tôi bóc bánh chưng, bưng cùng với dưa hành, chè lam và bánh kẹo ra mời khách. Chị em tôi cũng lẩn vẩn nhà trong để nhỡ khách có gọi ra cho tiền mừng tuổi thì ra ngay.
Sáng mùng hai, tôi theo mẹ đi chúc Tết họ hàng và cô giáo. Hôm nay thì chị em tôi được phép ra ngoài chơi. Chúng tôi mua pháo về, gỡ từng viên pháo một ra. Riêng tôi sợ cháy áo nên không dám đốt, mà phải nhờ vài người anh em họ đốt hộ. Ngoài ra lại còn sợ tiếng pháo nổ giật mình nên cứ phải bịt tai đứng xa xa. Thật đúng là có pháo mượn người đốt!
Đến tối thì cả nhà ngồi đánh tam cúc dưới ngọn đèn dầu tây lớn. Tôi được mừng tuổi cũng khá, lấy ra 3 hào công ty với chú tôi đánh chung lật lá ba tam cúc; mỗi ván 2 xu. Xui xẻo thế nào mà thua hết cả 3 hào! Không biết làm thế nào, sẵn có mấy cái pháo xì nhặt được lúc ban ngày, tôi để lên bóng đèn, pháo xì ra bắn vào gần mắt nhưng không việc gì cả. Vừa phần tiếc mất 3 hào, vừa phần muốn ăn vạ, tôi khóc ầm lên. Thế là thầy tôi bảo: “Thôi từ giờ trở đi, ai được lá ba thì cho nó 1 xu cho nó khỏi khóc, kẻo rông năm mới”. Vì mỗi ván lá ba, ai thắng là được 8 xu, nên tôi lấy lại được 3 hào và không dám nghĩ đến tam cúc nữa.
Đến mùng bốn là làm lễ hóa vàng để tiễn các cụ. Mùng sáu sửa soạn quần áo để mùng bẩy đi học……Ước gì Tết kéo dài thêm ít ngày nữa có phải thích không nhỉ?
Năm 10 tuổi, tôi đã học lớp nhì năm thứ nhất và ra vẻ con gái rồi. Tết năm ấy, mẹ tôi may cho một bộ quần áo mới: quần trắng, áo mầu hồng kim tuyến óng ánh. Tôi mặc quần áo mới này để đi chúc Tết Quan Chánh Sứ và Quan Kiểm Học. Lúc về tới nhà, mẹ bảo tôi vào bếp lấy đồ phụ mẹ. Tôi đã từ chối lấy cớ là vào bếp khói sẽ làm đen áo vì nhà tôi đun củi.
Năm ấy chú tôi có rủ chú Tú – con bà bác ở Hà Nội – lên Bắc Giang ăn Tết. Nhân thể tổ chức đi hội Kế cùng với khoảng mươi người bạn cùng tỉnh đi học ở Hà Nội, dịp này cũng về nghỉ Tết. Vì tỉnh nhỏ, chỉ đậu đuợc bằng Tiểu Học là có thể xin đi làm công chức thường rồi. Ít gia đình có thể cho con em lên Hà Nội tiếp tục học vì rất tốn kém.
Mấy chú thuê một cỗ xe ngựa độ 10 chỗ ngồi, ghế đặt hai bên. Ông cậu cho cô tôi (hơn tôi 2 tuổi) và tôi đi cùng xe để được Hội Người Việt Richmond 15 Xuân Hy Vọng đi xem hội và dặn rằng nếu có thấy các chú đi ve vãn các cô thì về mách vì ông cấm các chú không được trai gái, e sao nhãng việc học vì sắp phải thi bằng thành chung.
Tới làng Kế, chú tôi đưa chúng tôi vào nhà bà cố rồi cho mỗi đứa 1 hào, bảo hai đứa cứ ở đây đến chiều chú sẽ về đón. Chúng tôi thấy lũ lượt từng bọn thiếu nữ đi xem hội, đẹp có, xấu có. Chỉ có các cô gái làng Thành là ăn mặc đẹp nhất, áo mớ ba: trong cùng mầu rắng, tới mầu hồng, ngoài hết là mầu nâu; dải dút có tua gù, giải yếm, thắt lưng, ba mầu khác nhau rất hài hòa, vui mắt. Các cô mặc váy lụa đen, sắn hàm ếch, hơi xếch lên hai bên. Có cô đi dép da trâu cong mũi, có cô đi đất, nhưng cô nào cũng cầm nón quai thao.
Còn bọn trai quê thì mặc áo the đen, trong lót áo trắng, đầu đội khăn xếp. Các cậu thấy cô nào vừa ý thì bước tới cầm nón tán tỉnh. Họ đối đáp nhau bằng những câu ví von rất tình tứ mộc mạc.
Tôi lấy làm lạ thấy có cậu sao cứ khư khư giữ nón của cô nọ, trong khi cô cứ lẽo đẽo đi theo đòi nón lại. Chẳng biết họ nói với nhau những gì, nhưng rồi thấy họ cùng vào chùa, hoặc đi ra chỗ vắng ngồi nói chuyện, từng cặp từng cặp.
Hội chùa Kế mở vào mùng bốn Tết. Cổng chùa ra vào đông đúc tấp nập. Trong chùa có các bà ngồi kể hạnh. Bên cạnh chùa có một căn nhà rộng bốn bề trống, mái ngói. Nam nữ đưa nhau vào đó hát đúm, đối đáp nhau rất vui.
Xế trưa thì thanh niên ba làng – làng Kế, làng Mé và làng Vĩnh Ninh – họp nhau lại để kéo chữ. Ông trưởng toán mặc áo the đen, thắt lưng điều, cầm cờ lệnh, chỉ ngang chỉ dọc, xếp người thành hàng chữ nho: Thiên Hạ Thái Bình, rất đẹp và có qui củ. Điều này chứng tỏ họ đã phải tập luyện công phu và lâu lắm.
Cô tôi và tôi la cà hết hàng quà này đến hàng quà khác vì quà nhà quê rất rẻ. Một xu một đấu táo phải lấy vạt áo ra đựng. Bánh dầy đậu, bánh tro chấm với mật, rồi cháo dương nấu bằng bột và sườn heo. Bà hàng cháo còn sắt một ít bánh đúc bỏ lên trên. Quà ngon mà lạ miệng quá. Ăn mãi cũng chưa hết năm xu một người. Còn năm xu không biết để đâu, tôi xâu vào dải dút vì xu đồng và tiền trinh Khải Định có lỗ ở giữa.
Đến chiều chú tôi và các bạn chú lại đón chúng tôi về tỉnh bằng xe ngựa đi buổi sáng. Trên xe các chú bàn tán sôi nổi, Hội Người Việt Richmond 16 Xuân Hy Vọng nào cô nào đẹp, cô nào xấu; nào mỗi chú đã tán được một cô; nào có chú lại còn đưa cô bạn gái về tỉnh để chụp ảnh. Chẳng là các cô gái quê thích con trai tỉnh nên dễ tán và đi theo ngay. Vì các cậu ăn mặc đồ tây, nói năng hoạt bát lại đẹp trai nữa nên các cô mê tít thò lò.
Chiều về đến nhà, ông tôi hỏi về tình hình các chú cả ngày đi xem hội như thế nào. Đã chót ăn 1 hào hối lộ, chúng tôi đâu còn dám nói gì. Chỉ thưa lại với ông là các chú đi xem hội còn chúng cháu ở nhà bà cố rồi vào chùa xem các già kể hạnh, đi coi hát đúm, hát ví.
Ít ngày sau, một hôm ông tôi đi đâu về, mặt hầm hầm, chìa tấm ảnh chú tôi chụp chung với cô bạn mới quen ở hội Kế ra cho cả nhà xem. Hóa ra là hôm ở hội Kế, chú tôi đã dám đưa cô bạn này về tỉnh để chụp ảnh chung. Chẳng biết ảnh đẹp hay ông chủ tiệm muốn quảng cáo, phóng to ra trưng chình ình trong tủ kính. Ông tôi đi ngang trông thấy, vào mua ngay tấm ảnh mang về. Sau khi kể tội xong, ông lôi chú tôi nọc ra đánh cho một trận nên thân. Ông quất bằng roi mây chập ba, đến nỗi mông chú bị rớm máu, thấm ra quần đùi trắng. Sau đó, ông tôi răn dạy rằng đang đi học để thi bằng thành chung, phải chuyên cần học hành, bao giờ đỗ đạt xong, ông sẽ lấy vợ cho. Không được trai gái trễ nải việc học. Bị đòn xong còn bị quỳ trên gai mít. Ông bắt chúng tôi hỏi chú là: “Ăn cơm hay ăn
c… mà dám trai gái?”
Chúng tôi cũng bị đòn lây về tội nói dối, biết mà không về mách. Sự thật thì chúng tôi có nhìn thấy gì đâu mà mách? Mà dù có nhìn thấy gì chăng nữa, cũng chẳng dám mách vì đã lỡ nhận 1 hào đút lót, ăn quà ngập mặt, ngập mũi rồi còn gì nữa. Mỗi đứa bị 3 roi, nhưng ông chỉ đánh 1 roi, còn cho chịu 2 roi. Thật ra, ông thương hại con nít chỉ đánh lấy lệ thôi. Thật đâu có ngờ vì tấm ảnh mà bị đòn cả lũ.
Xong trận đòn, chú tôi cú vào đầu hai cô cháu tôi, mỗi người mấy cái về tội dám hỏi: “Ăn cơm hay ăn c… mà dám trai gái?” Không hỏi thì sợ ông đánh, mà hỏi thì bị chú cú. Đúng là tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa!
Đâu có ngờ Tết đi xem hội mà về nhà lại bị đòn như vậy. Cứ nghĩ là được đi xem hội và được mặc quần áo đẹp là thích rồi, nhất là cả dãy phố chưa chắc đã có con nhà ai diện như chúng tôi. Họ cứ khen là con cháu cụ cả rượu (ông tôi bán rượu ty) ăn mặc sang quá. Tôi lấy làm thích về những lời khen này lắm.
Thoáng cái đã đến mùng 6, chú tôi phải ra Hà Nội để mùng 7 nhập học. Tôi cũng đi học vào mùng 7. Thế là hết Tết! Già nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên được những cái Tết đầm ấm và đầy mầu sắc của thời thơ ấu.
Kim Hương, San Jose
April 27th, 2009 at 7:59 am
minh cung la mot sinh vien ,mot nguoi con sinh ra va lon len tren mang dat bac giang giau truyen thong.hom nay doc bsi viet cua ban minh thay rat xuc dong.cam on